Các ảnh hưởng Đại_thảm_họa_động_đất_Kantō_1923

Hỗn loạn gây ra hoang mang và sinh ra những tin đồn. Trong các thị trấn và làng xã xung quanh thủ đô, có những nhóm dân phòng gọi là Jikeidan (Tự cảnh đoàn), một nhách cảnh sát vũ trang do thường dân lập ra để canh phòng và bảo vệ cho chính khu dân cư của mình, đã tự ý tra hỏi và bắt giam những người bị tình nghi là thành phần bất hảo.

Bộ Nội vụ Nhật Bản đã phải ban hành chế độ thiết quân luật để lập lại trật tự. Sau đó còn nảy sinh tin đồn sai sự thật rằng kiều dân Triều Tiên ở Nhật Bản nhân thời cơ này đã tiến hành đốt phá và cướp bóc, đồng thời còn đồn rang họ còn có sở hữu bom.[2] Trong tình trạng khẩn cấp, những lời đồn đại dù vô căn cứ cũng đủ kích động gây ra những hành vi bạo lực điên cuồng.

Chính phủ báo cáo rằng trong tuần đầu tiên của tháng 9, 231 kiều dân Triều Tiên đã bị các côn đồ ở Tokyo và Yokohama hành quyết.[3] Các báo cáo độc lập cho rằng con số người bị giết còn cao hơn nhiều, vào khoảng từ 6.000 đến 10.000 người.[4][5][6] Một số báo chí dẫn lại tin đồn này như thể đó là sự thật, kèm theo lời cáo buộc rằng người Triều Tiên bỏ thuốc độc vào các giếng nước.

Về kinh tế, thiệt hại của trận động đất Kantô đã lên đến 60 tỷ Yen theo thời giá khi đó. Nhiều xí nghiệp ngưng hoạt động vì cơ xưởng bị sụp đổ hay bị thiêu hủy, gây ra một làn sóng thất nghiệp. Kinh tế Nhật Bản như thế đã chịu một cú đấm nặng nề vì trận động đất ấy. Hơn thế, lúc đó tình hình kinh tế Nhật Bản vẫn còn chưa được phục hồi từ sau năm 1920 (Taishô 9) với cuộc khủng hoảng kinh tế hậu chiến (hậu quả của cuộc Đại Thế chiến 1914-1918). Cuộc khủng hoảng kép này làm cho tình hình kinh tế càng trầm trọng.